Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình: Nhiều thiết bị y tế đội giá bất thường

Vài năm gần đây, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình đã chi ra hàng trăm tỉ đồng để mua về nhiều trang thiết bị y tế đắt đỏ. Không ít trong số đó có giá thành cao hơn từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng so với giá đơn vị khác cùng mua. Đã thế có máy mới dùng đã hỏng, có máy “đắp chiếu” cả năm trời. Để có tiền trả nợ, bệnh viện này đã quyết định tăng viện phí…

Xin tăng giá dịch vụ để trả nợ ngân hàng 

Theo tìm hiểu, Dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 309 tỉ đồng, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt năm 2016. Dù là chủ đầu tư nhưng BVĐK tỉnh Thái Bình chỉ tự chủ 15% vốn (khoảng 46 tỉ đồng), số còn lại 263 tỉ đồng hoàn toàn là tiền đi vay từ ngân hàng Vietinbank, dự kiến trả trong 10 năm.

Để có tiền trả nợ ngân hàng, từ tháng 4.2019, bệnh viện này đã có Tờ trình số 228/TT-BV gửi Sở Y tế Thái Bình đề nghị được tăng giá một số dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như hệ thống xạ trị, máy CT mô phỏng, hệ thống chụp mạch số hoá xoá nền. 

Văn bản của Sở Y tế chấp thuận cho BVĐK tỉnh Thái Bình nâng giá dịch vụ y tế. Ảnh: Long Nguyễn.
Văn bản của Sở Y tế chấp thuận cho BVĐK tỉnh Thái Bình nâng giá dịch vụ y tế. Ảnh: Long Nguyễn.

Sau khi được điều chỉnh, cá biệt có những dịch vụ bị đội thêm tới 2,5 triệu đồng/lần chụp so với giá quy định của Nhà nước chỉ khoảng từ 500 đến 600 nghìn đồng/lần. Có những dịch vụ đội giá thêm 5 triệu đồng/lần chụp…

Không những vậy, tài liệu PV Báo Lao Động có được còn thể hiện nhiều bất thường trong quá trình thực hiện dự án, tập trung chính ở giá thành các thiết bị có giá trị lớn. 

Cụ thể, theo Tờ trình số 228/TT-BV, máy chụp mạch DSA 1 bình diện của hãng Philips được BVĐK tỉnh Thái Bình mua năm 2017 với giá 30,7 tỉ đồng. Nhưng cũng tại chính bệnh viện này, theo Quyết định số 909/QĐ-NORRED.TB của Ban quản lý Dự án Norred, một chiếc máy chụp mạch DSA tương tự được mua năm 2019, lại chỉ có giá 13,1 tỉ đồng. 

Khác biệt có chăng ở chỗ, chiếc máy mới này nằm trong Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng (Norred), được Ngân hàng Thế giới cho vay vốn và Bộ Y tế làm đại diện chủ đầu tư.

Máy chụp mạch DSA 1 bình diện của hãng Philips được BVĐK tỉnh Thái Bình mua với giá 30,7 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.
Máy chụp mạch DSA 1 bình diện của hãng Philips được BVĐK tỉnh Thái Bình mua với giá 30,7 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.

Hệ thống máy chụp CT 16 lát hãng Siemens - Somato Scope, bệnh viện mua với giá 14,4 tỉ đồng. Trong khi đó đầu tháng 7 mới đây, một bệnh viện tuyến huyện là BVĐK huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã khai trương hệ thống máy chụp tân tiến hơn, cũng của hãng Siemens là máy chụp CT 32 lát Somato go.Now nhưng chỉ mua với giá chỉ khoảng 7,1 tỉ đồng.

Ông Giang Hoài Nam - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cạnh chiếc máy CT 32 lát của hệ thống xạ trị giá 100 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.
Ông Giang Hoài Nam - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cạnh chiếc máy CT 32 lát của hệ thống xạ trị giá 100 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.

Đặc biệt cũng theo Tờ trình số 228/TT-BV, hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32 lát trong xạ trị, BVĐK tỉnh Thái Bình mua với giá khoảng 100 tỉ đồng. Nhưng với hệ thống tương tự, theo xác minh thực tế của PV Báo Lao Động tại BVĐK tỉnh Hưng Yên, chỉ có giá khoảng 2,7 triệu USD (tương đương 65 tỉ đồng)… 

Thiết bị mới mua đã hư hỏng, "đắp chiếu"

Bên cạnh việc mua đắt bất thường, ghi nhận từ thực tế còn cho thấy, nhiều máy móc trong dự án được mua về từng phải "đắp chiếu" một thời gian dài, hoặc sớm hư hỏng các bộ phận.

Cụ thể với hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32  lát trong xạ trị đề cập bên trên, sau khi mua sắm xong xuôi, bệnh viện mới phát hiện thiếu một loại máy chức năng là máy laser mô phỏng. Do đó, ngày 18.8.2018, bệnh viện này đã phải làm tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Thái Bình xin được mua thêm với giá 1,8 tỉ đồng. Đồng thời, hệ thống máy đắt đỏ này dù được mua từ tháng 6.2018 nhưng do thiếu cơ sở vật chất cũng như đội ngũ kỹ thuật nên phải đến tháng 4.2019 mới được đưa vào sử dụng.

Bác sĩ theo dõi bệnh nhân thăm khám trên hệ thống xạ trị gia tốc được BVĐK Thái Bình mua với giá hơn 100 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.
Bác sĩ theo dõi bệnh nhân thăm khám trên hệ thống xạ trị gia tốc được BVĐK Thái Bình mua với giá hơn 100 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường.

Tại khoa Mắt, máy chụp đáy mắt (mua với giá hơn 1,8 tỉ đồng) đã hư hỏng, Bệnh viện đã có tờ trình số 660/TTr-BV ngày 9.6.2020 gửi Sở Y tế tỉnh Thái Bình xin phép sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm linh kiện thay thế và sửa chữa máy chụp đáy mắt Visucam 524. Kinh phí dự toán 190 triệu đồng…

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?

Trước các nghi vấn đã nêu, ông Hà Quốc Phòng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã lý giải về việc phải mua thêm hệ thống laser mô phỏng giá hơn 1,8 tỉ đồng trước. Ông nói: "Trong quá trình xây dựng cấu hình, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế đã xây dựng thiếu 1 laser mô phỏng. Lỗi là do tổ tư vấn, chuyên gia của Bộ Y tế chứ không phải lỗi do chúng tôi. Khi mời các bác sĩ bệnh viện K về có tham mưu phải mua thêm. Tiền mua thiết bị này sử dụng từ quỹ phát triển bệnh viện". 

Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình Hà Quốc Phòng. Ảnh: Đình Trường.
Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình Hà Quốc Phòng. Ảnh: Đình Trường.

Còn về phản ánh hệ thống xạ trị mua về phải nằm "đắp chiếu" nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, phía BVĐK tỉnh Thái Bình giải thích rằng, hệ thống xạ trị khi tiếp nhận về bệnh viện là vào ngày 31.7.2018. Mất 6 tháng để kỹ sư lắp đặt và 1 tháng đào tạo trực tiếp cho các kíp bác sĩ, kĩ thuật viên, kỹ sư vật lý hạt nhân. Sau đó, đơn vị này còn phải tiến hành lập thủ tục đề nghị Cục an toàn bức xạ cấp phép mất thêm 2 tháng nữa nên thời gian mới lâu đến vậy.

Trước nghi vấn đội giá thiết bị, ông Hà Quốc Phòng nói: "Việc đầu tư của bệnh viện hoàn toàn là đầu tư vào nhu cầu của người bệnh, chứ không phải ý chí chủ quan của ban lãnh đạo bệnh viện. Tất cả giá trị loại máy đều được công khai đến toàn bộ công chức, viên chức trong viện". 

Ông Phòng cho biết sẽ cho rà soát và trả lời phóng viên bằng văn bản các thông tin cụ thể về giá máy móc, thiết bị y tế thuộc dự án vay vốn ngân hàng và dự án Norred tài trợ cho bệnh viện.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời mà phóng viên nhận được từ đại diện BVĐK tỉnh Thái Bình, nội dung về giá máy vẫn không được đề cập. Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Hà Quốc Phòng để tìm kiếm câu trả lời chính thức nhưng đơn vị này vẫn không công khai.

Liên quan đến dự án mua sắm trị giá hơn 309 tỉ đồng này, theo tìm hiểu của PV, trong hầu hết các biên bản giao nhận, nghiệm thu thiết bị đều có sự xuất hiện của 2 lãnh đạo bệnh viện là Giám đốc Hà Quốc Phòng và Phó giám đốc Giang Hoài Nam. Về phía nhà cung cấp, có 4 đơn vị trúng thầu trong đó có 1 công ty được nhắc đến nhiều trong nghi vấn nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại Thái Bình hồi tháng 4.2020. 

Theo đó, mặc dù đã mua máy về đưa vào sử dụng một thời gian, nhưng sau khi bê bối tại CDC Hà Nội bị phanh phui, Sở Y tế Thái Bình bất ngờ thông báo đã đàm phán lại được với nhà cung cấp về việc hạ giá máy đồng thời kèm thêm nhiều ưu đãi khác.


https://laodong.vn/xa-hoi/benh-vien-da-khoa-tinh-thai-binh-nhieu-thiet-bi-y-te-doi-gia-bat-thuong-822888.ldo


Xem thêm tại Wikicabinet - Kênh thông tin tri thức nhân loại

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm

Đồng nhất thức Euler và sự quyến rũ của toán học

Tử vi hàng ngày cho cung Ma Kết ngày 07/01