Cấm cá nhân mua nhà đất nước ngoài để ngăn chặn đầu tư mua quốc tịch?

 

TTO - Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản.

Ủng hộ chủ trương này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp phù hợp để không ảnh hưởng tới những cá nhân có nhu cầu đầu tư chính đáng. 

Cấm cá nhân mua bất động sản ở nước ngoài 

Theo một lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Nghị định 83 về đầu tư ra nước ngoài hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, trên thực tế một số trường hợp cần phải hạn chế để hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh. 

Vì thế trong dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài lần này, Bộ KH&ĐT đã bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN; người chưa thành niên, người bị hạn chế,mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các trường hợp khác theo quy định Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với pháp luật về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội. Đồng thời, giúp hạn chế các cá nhân đang "có vấn đề" lợi dụng đầu tư ra nước ngoài để tẩu tán tài sản. 

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2020 quy định hoạt động đầu tư ra nước ngoài kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, dự thảo nghị định lần này bổ sung quy định chỉ các DN mới được đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Cá nhân sẽ không được đầu tư kinh doanh bất động sản tại nước ngoài. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh quy định này nhằm tránh tình trạng cá nhân mua bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh. 

Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận quy định như vậy vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn tình trạng lách luật trong đầu tư ra nước ngoài để mua bất động sản qua đó có quốc tịch. Vì thế, dự thảo nghị định về lần này cũng bổ sung thêm các quy định trong cấp phép đầu tư. 

Cụ thể, đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ 20 tỉ đồng trở lên, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, Quốc hội nhưng Bộ KH&ĐT sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp thông tin về vốn đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp phép, nhà đầu tư có vi phạm quy định quản lý ngoại hối để xem xét trước khi cấp phép. 

“Quản lý đầu tư ra nước ngoài thời gian tới sẽ không tập trung quản lý từng dự án mà vì mục tiêu quản lý vĩ mô về ngoại hối, cân đối ngoại hối, phòng chống chuyển tiền sai mục đích, rửa tiền”, vị lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định.

Hiệu quả tới đâu? 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, hiện có một số người muốn định cư, nhập quốc tịch nước ngoài và nhiều công ty đang cung cấp dịch vụ đầu tư định cư. Các cá nhân cứ đóng tiền là có thể định cư ở Mỹ, Úc hay ở châu Âu. Các suất đầu tư từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng tùy vào từng quốc gia họ muốn đến. Vì thế, dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài muốn ngăn chặn tình trạng này nhưng lại vô tình ngăn chặn cả những người đầu tư chính đáng. 

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, việc cấm cá nhân nhưng lại cho DN đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài sẽ không có nhiều tác dụng. Cá nhân muốn lách luật để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không khó, thành lập một công ty hiện nay cũng chỉ cần vốn rất nhỏ sau đó họ ra nước ngoài vẫn mua được đất. Cá nhân hay một DN tư nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài cũng như nhau, hoàn tất đầu tư, cá nhân có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn đạt được. 

“Tôi không phản đối các giải pháp được đưa ra trong nghị định nhưng cần cân nhắc hiệu quả các giải pháp, liệu có ngăn chặn được hành vi lợi dụng chính sách để bỏ tiền mua quốc tịch nước ngoài. Khi các nước họ có chính sách thu hút đầu tư thì ta nên tính tới các giải pháp liên kết với các nước để ngăn chặn những người có hành vi đầu tư ra nước ngoài với mục đích nhập tịch để trốn tránh trách nhiệm trong nước. Hầu hết các nước cá nhân người Việt muốn nhập tịch như Mỹ, Canada, Úc... đều là những quốc gia phát triển.Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định, có giải pháp để liên kết cùng giải quyết”, ông Nguyễn Văn Toàn đề xuất. 

Theo ông Toàn, chuyện lợi dụng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức khủng bố, chống đối phải có biện pháp xử lý nghiêm, còn tiền túi tư nhân bỏ ra đầu tư vì mục đích kinh doanh thì cũng không nên quy định quá khắt khe. 

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - cho rằng việc quy định cá nhân hay pháp nhân được phép đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không có nhiều ý nghĩa. 

Cần đưa ra các quy định để nhà đầu tư cá nhân, DN tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình bất động sản nào ở nước ngoài. Chẳng hạn nên khuyến khích họ đầu tư vào bất động sản công nghiệp, đầu tư các bất động sản thương mại như trung tâm mua sắm... Như vậy vừa thu được ngoại tệ về cho đất nước, đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài, quảng bá được hình ảnhViệt Nam tới các nước. 

Còn nếu cá nhân, DN đầu tư mua một chục căn nhà ở nước ngoài để cho thuê, để mua đi bán lại hoặc để ở sẽ không có lợi cho đất nước mà lại bị mất ngoại tệ, cần hạn chế. 

Việc giới hạn, kiểm soát chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, theo TS Nguyễn Trí Hiếu là rất cần thiết vì nền kinh tế đang trong giai đoạn cần có quản lý ngoại hối. Dự trữ ngoại tệ củaViệt Nam chưa đủ lớn, chưa bền vững vì vậy cần đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô. Với bối cảnh kinh tếViệt Nam hiện nay, việc đưa ra hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài vẫn rất cần thiết.

Theo TTO

Xem thêm tại Wikicabinet - Kênh thông tin tri thức nhân loại

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm

Đồng nhất thức Euler và sự quyến rũ của toán học

Google, Facebook, YouTube, Netflix có thể nộp thuế tại Việt Nam qua mạng