Nợ vây, hãng bay miệt mài chờ hỗ trợ

 

TTO - Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, nợ trung, ngắn hạn và nợ các định chế cho thuê tàu bay của các hãng hàng không trong nước đã lên tới khoảng 40.000 tỉ đồng.

Nhiều hãng bay cho hay điều cần nhất hiện nay là vay vốn hỗ trợ lãi suất để tránh suy kiệt dòng tiền.

Một số "trợ lực" đã hết hạn

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) hàng không cho hay DN này vẫn đang trong trạng thái chờ đợi trong căng thẳng, dù tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 2-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.

Thực tế, về thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua với mức giảm 30% cho các hãng hàng không trong nước từ 1-8 đến 31-12-2020. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm này tương ứng 400 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo hãng hàng không này, do cuối tháng 7, đầu tháng 8 bùng phát đợt dịch mới, nhu cầu đi lại giảm đột ngột, nên thực tế số thuế trên được giảm thấp hơn rất nhiều.

Về gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho 3 hãng hàng không, Thủ tướng đã một số lần chỉ đạo, giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT... nghiên cứu, đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được chính thức thông qua. DN vẫn... đợi.

Từ khi có nghị quyết của Chính phủ, phải đến gần 4 tháng, Bộ GTVT mới chính thức ban hành thông tư 19 vào ngày 1-9 vừa qua quy định giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa so với mức giá hiện hành. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này đã hết hạn vào ngày 30-9.

Trong khi đó, để chống chọi suy kiệt dòng tiền, các hãng bay xoay chuyển đủ mọi phương án để tìm doanh thu như tăng chở hàng hóa, bay nội địa, cung cấp thẻ bay trọn gói... Thậm chí, một số hãng bay còn bán bớt tài sản.

Mới đây, giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines cho hay tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm trên 67% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm hơn 18.012 tỉ đồng). Vietjet 6 tháng đầu năm cũng lỗ từ hoạt động vận tải hàng không 1.440 tỉ đồng. Hãng này đã phải chuyển nhượng các dự án đầu tư tài chính tích lũy trong nhiều năm qua để bù đắp dòng tiền thiếu hụt và duy trì hoạt động kinh doanh chính là hàng không.

Các hãng bay nợ khoảng 40.000 tỉ đồng?

TS Bùi Doãn Nề, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho biết tuy lượng khách và số chuyến bay đang có dấu hiệu phục hồi nhưng tình trạng thiếu hụt dòng vốn hoạt động của các hãng hàng không trong nước vẫn rất nghiêm trọng và còn kéo dài.

Theo ông Nề, ước tính sơ bộ, riêng nợ trung, ngắn hạn và nợ các định chế cho thuê tàu bay của các hãng hàng không trong nước đã lên tới khoảng 40.000 tỉ đồng.

Mặc dù đã được ngân hàng và định chế cho thuê tàu bay cho phép giãn thời gian trả nợ trong cao điểm của dịch nhưng hiện nay nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Tình hình rất cấp bách nhưng tiến độ hỗ trợ ngành hàng không ở nước ta, theo ông Nề, là rất chậm; có chính sách được nói tới từ lâu nhưng chưa được ban hành, thực thi.

Với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, theo ông Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đã kiến nghị Chính phủ để tạo một gói hỗ trợ vay trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi cho tất cả các hãng hàng không, không phân biệt về thành phần doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, với quy mô khoảng 25.000 đến 27.000 tỉ đồng.

Chuyên gia Lương Hoài Nam nhấn mạnh gói hỗ trợ này cần làm nhanh, làm sớm để có thể hiện thực hóa nhanh nhất khi các hãng hàng không thực sự đã cạn kiệt về nguồn tiền. Quy mô gói này thực chất chỉ bằng khoảng 1/3, 1/4 dự kiến thiệt hại mà các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải chịu trong đại dịch COVID-19.

Trên thực tế, đã có một số biện pháp nhỏ lẻ đang được thực hiện song thời gian áp dụng quá ngắn, từ 5 đến 6 tháng, chỉ tiết kiệm cho các hãng hàng không vài trăm tỉ đồng và cần chờ các thông tư ban hành để hướng dẫn thực hiện. Do đó, ông Nam đề xuất nên kéo dài gói hỗ trợ này lên 18 - 24 tháng, giúp các hãng tiết kiệm được 5.000 - 7.000 tỉ đồng về thuế mới thỏa đáng.

Việc giải cứu trên, nếu được triển khai, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh phải dựa vào nguyên tắc đối xử bình đẳng và tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Bởi việc tạo ra việc làm, đóng thuế, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều cùng như nhau.

Gói tín dụng mới, còn chờ

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết Bộ KH-ĐT vừa tập hợp ý kiến của các bộ về gói hỗ trợ thứ hai nhằm ứng phó với COVID-19.

Trong đó có việc giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với hãng bay trong năm 2021; kéo dài thời gian giảm phí dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không như giảm 50% phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay...; kéo dài thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo tập hợp từ Bộ KH-ĐT, lần này các bộ đã đề xuất chính sách đặc thù cho các hãng hàng không vay ưu đãi lãi suất, do Chính phủ bảo lãnh.

Ông Nề cho rằng các hãng hàng không đang rất mong chờ gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ với ngành hàng không, đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, số tiền cho vay theo đề xuất của các bộ cho gói này quá thấp so với dòng tiền thiếu hụt của các hãng. "Chúng tôi một lần nữa đề nghị Chính phủ duyệt gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng cho các hãng hàng không vay thời hạn 5 - 10 năm, ưu đãi lãi suất và cho các hãng được trả dần phần chênh lệch lãi suất ưu đãi" - ông Nề nêu quan điểm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm

Đồng nhất thức Euler và sự quyến rũ của toán học

Tử vi hàng ngày cho cung Ma Kết ngày 07/01